Xem cách trả lời những câu hỏi dưới đây để tìm ra cách sử dụng muối hiệu quả nhất.
Câu 1: Ăn muối nào tốt cho sức khỏe hơn?
Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng, nguyên trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Nông lâm TPHCM, muối có dạng hạt tinh thể to được bán nhiều ở chợ hay siêu thị là muối thô, thu được từ sự bay hơi của nước biển. Muối này chứa khoảng 97% clorua natri, phần còn lại là các tạp chất, trong đó có nhiều chất khoáng khác có ích cho sức khỏe, nhờ thế ăn muối thô tốt cho sức khỏe hơn.
Muối tinh là loại muối được tinh sạch từ muối thô, kích thước nhỏ nhất trong các loại muối. Muối có thành phần clorua natri lên đến 99%, các chất khoáng hầu như đã bị loại bỏ trong quá trình làm sạch.
Trong nấu nướng, muối tinh tiện dụng hơn vì nhanh tan và không có mùi tanh nồng, mặn chát của biển như muối thô. Muối thô thường được dùng để làm nước mắm, muối dưa cà.
Câu 2: Muối nào có tác dụng làm sạch và làm đẹp tốt hơn?
Theo WomansDay, do kết cấu dạng hạt to nên muối thô chà xát bề mặt thớt, chà xát cá thịt sạch và hiệu quả hơn so với muối tinh dạng tinh thể nhỏ.
Người ta không sử dụng muối tinh trong làm làm đẹp, tẩy tế bào da chết. Tuy nhiên đây lại là một công dụng khác của muối biển thô, nhờ có thành phần khoáng chất bên trong.
Câu 3: Tại sao nên cho muối vào chảo dầu rán khi dầu bắt đầu sôi?
Chuyên gia ẩm thực Lê Văn Cường (TP HCM) nhận xét, một số người nghĩ rằng cho muối vào dầu ăn trước khi rán cũng như xào nấu sẽ giúp loại trừ độc tố aflatoxin có trong dầu. Thực tế, chất aflatoxin chỉ tạo thành trên những loại hạt được dùng để chiết xuất dầu nhưng bị mốc, ví dụ cải, lạc, vừng... Vì thế, việc dùng muối khử độc tố trong dầu là không cần thiết.
Một chút muối lẫn trong dầu rán gần như không thể giúp món ăn đậm đà hay chín nhanh hơn là bao.
Thực ra, cho muối vào chảo dầu rán có tác dụng chính là giúp dầu mỡ không bị bắn ra ngoài trong quá trình chiên rán. Lưu ý, dầu vừa bắt đầu sôi, rắc ngay một nhúm muối, đảm bảo phân bố đều khắp đáy chảo.
Câu 4: Khi luộc rau, nên cho muối vào nồi nước luộc lúc nào để rau ngon nhất?
Ở áp suất không khí bình thường, nước thường có điểm sôi là 100 độ C. Khi cho thêm muối vào, điểm sôi của nước sẽ vượt qua con số 100 độ C. Nồng độ muối càng cao thì điểm sôi càng lớn, tuy nhiên bạn cần lưu ý nêm nếm vừa miệng.
Muốn rau xanh và mất ít vitamin nhất, nên luộc rau với nhiệt độ cao nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Cho muối vào nồi nước trước khi thả rau sẽ giúp rau được tiếp cận với nhiệt độ cao nhất có thể, nhờ thế thời gian luộc chín rau cũng ngắn hơn, giúp rau giữ được màu xanh và các vitamin.
Câu 5: Khi nấu canh, súp, nên cho muối vào lúc nào?
Theo AllRecipes, bạn có thể tra muối vào nồi canh, súp bất cứ lúc nào thì phản ứng hóa học của muối và nước canh đều không khác nhau.
Nếu cho muối vào từ sớm, rau, thịt... sẽ ngấm mặn nhiều hơn, vị đậm đà hơn. Ngoài ra, trong quá trình đun nấu, nước canh cũng sẽ bị bay hơi phần nào nên kết quả là bạn sẽ có một nồi canh súp mặn hơn so với ban đầu. Vì vậy bạn cần lưu ý nêm nếm số lượng muối vừa phải sao cho vừa miệng.
Còn nếu muốn rau thịt ngọt hơn, tiết kiệm gia vị hơn thì nên nêm muối muộn hơn - trước khi tắt bếp.
Câu 6: Cho một chút muối khi vo gạo sẽ giúp:
Theo chuyên gia Lê Văn Cường, nếu bạn cho một nhúm muối vào vo gạo hoặc cho một vài hạt muối khi nấu cơm, cơm thường lâu thiu hơn so với việc không dùng muối, dù trong thời tiết nắng nóng mùa hè nhưng cơm vẫn không thiu sau một ngày nấu. Nhờ có tính chất kháng khuẩn, muối giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn.
Tất nhiên, có vài hạt muối, cơm sẽ đậm đà hơn.
(vnexpress)